Mang thai tháng thứ 6: Mẹ bầu phải cẩn trọng những điều gì?

Mang thai tháng thứ 6 là lúc bạn đã bước sang tháng cuối cùng thai kỳ 3 tháng giữa với nhiều thay đổi về cơ thể và thai nhi. Những lưu ý khi mang thai 6 tháng tiếp theo rất hữu ích cho mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh. 

 

1. Thai nhi 6 tháng phát triển như thế nào?

Tháng thứ 6 kéo dài từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 24. Khi mang bầu 6 tháng, mẹ đã đã đi được ⅔ chặng đường để đón bé yêu. Lúc này, thai nhi đã có được sự phát triển đáng kể về cân nặng, kích thước. Kích thước của thai nhi tháng thứ 6 khoảng 30cm và nặng khoảng 600gr.

Hình ảnh thai nhi tháng thứ 6
Hình ảnh thai nhi tháng thứ 6

Cùng với đó, cả năm giác quan, cơ quan hô hấp và hệ thần kinh đều phát triển hơn:

  • Mạng lưới thần kinh phức tạp được cấu thành. Phần chức năng “ghi nhớ“ và “suy nghĩ” phát triển một cách rõ rệt. 
  • Tay đã thực hiện được các cử động cầm nắm
  • Giấc ngủ của thai nhi đã hình thành thói quen với thời gian thức và ngủ xen kẽ nhau. Mẹ có thể cảm nhận được thông qua những cử động của thai nhi. 
  • Các bộ phận sinh dục cũng đã được định hình. Đã có thể phân biệt được giới tính của bé thông qua góc độ của sóng siêu âm.
  • Cơ quan hô hấp tiếp tục phát triển. 
  • Các bộ phận trên khuôn mặt bé rõ nét hơn. Cơ thể bé bắt đầu hình thành một lớp chất gây màu sáp trắng (Vernix) và một lớp lông mịn (lanugo) để bảo vệ da.
Thai nhi 6 tháng phát triển như thế nào?
Lanugo (lông mịn) và Vernix (lớp sáp trắng) trên thai nhi 6 tháng

2. Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu tháng thứ 6

Khi mang thai tháng thứ 6, cảm xúc và thể trạng đã ổn định, mẹ có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Cơ thể cũng tiếp tục có thay đổi rất nhanh để chuẩn bị cho việc sinh nở. 

2.1. Bụng và ngực to lên

Lúc này, vòng bụng của mẹ tăng lên nhanh chóng, rốn của mẹ hướng ra ngoài.

Ở cuối thai kỳ tháng 6 chu vi vòng bụng của mẹ bầu khoảng 191 cm, mẹ tăng khoảng  5-6kg so với lúc chưa mang thai. 

Điều này làm trọng tâm của cơ thể thay đổi mất thăng bằng, mẹ có thể bị đau lưng và đau hông.

2.2. Đi vệ sinh thường xuyên hơn

Do tử cung đã to khoảng bằng đầu của một người lớn, chèn ép lên ruột và bàng quang, làm sức chứa của bàng quang nhỏ lại, mẹ sẽ đi vệ sinh thường xuyên hơn.

Sự chèn ép của bé cũng có thể khiến tình trạng táo bón của mẹ khó chịu hơn.

2.3. Phù chân khi mang bầu 6 tháng

Do rối loạn nội tiết, lưu lượng máu tăng và kích thước bụng bầu cản trở máu chảy về tim, nhiều mẹ bầu cảm thấy bị mỏi bắp chân hoặc phù chân. 

Ngoài ra, các vết rạn cũng có thể xuất hiện nhiều hơn, sậm màu hơn so với tháng thứ 5. Mẹ bầu còn dễ cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi do lượng máu tăng lên làm tim hoạt động vất vả hơn

3. Lưu ý cho mẹ bầu tháng thứ 6

Phụ nữ mang thai tháng thứ 6 sẽ có cảm giác thèm ăn hơn và ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và thai nhi. Để giúp trẻ phát triển tốt hơn, chúng ta cần biết cách xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.

3.1. Mẹ bầu tháng thứ 6 nên ăn gì?

Ở tháng thứ 6, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trất quan trọng, vì các chất sẽ được chuyển hóa gần như hoàn toàn cho thai nhi. 

Trong thời kỳ này, trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu cần chú trọng cả lượng và chất. Mẹ nên duy trì một chế độ ăn để duy trì tăng từ 1-2kg mỗi tháng. 

Trong đó, gợi ý các nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn hằng ngày của mẹ bầu 6 tháng: 

  • Thực phẩm giàu vitamin C: cần thiết để duy trì và hồi phục các mô liên kết trên toàn cơ thể, bao gồm cả mô liên kết răng với nướu. 
  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt tránh thiếu máu thai kỳ
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi: bổ sung vitamin và chất xơ, tránh táo bón.
  • Thực phẩm giàu axit folic: cần thiết để hoàn thiện hệ thần kinh và não bộ của thai nhi ở tuần thứ 24 
  • Thực phẩm giàu protein: chất đạm đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 6. Các chuyên gia khuyên mẹ ăn các loại cá béo, nên hạn chế ăn da hoặc phần thịt có quá nhiều mỡ.
mang thai tháng thứ 6 nên ăn gì
Gợi ý các món trong thực đơn của mẹ bầu tháng thứ 6

Ngoài ra, mẹ bầu cần uống tối thiểu 2 lít nước/ngày: Nước ối trong tử cung của mẹ cứ 3 tiếng lại được thay mới một lần nên thai nhi luôn được ở trong một môi trường sạch sẽ. Vì vậy, mẹ hãy uống đủ lượng nước để con có một môi trường thoải mái nhé.

3.2. Chế độ sinh hoạt của mẹ bầu tháng thứ 6

  • Tư thế nằm phù hợp: nằm nghiêng về bên trái là tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu 6 tháng vì giúp các chất dinh dưỡng và máu được chuyển đến thai nhi tốt hơn, tử cung không đè lên gan. 
  • Massage toàn thân, ngâm chân nước ấm trước khi ngủ: 2 liệu pháp hữu hiệu này giúp bà bầu ngủ ngon hơn. Mẹ nên nhờ bố xoa bóp để giảm các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, sưng tấy, phù nề chân,…
  • Chọn quần áo thoải mái: mẹ bầu nên mặc quần áo hoặc váy rộng rãi, thoải mái. Điều này không những không gây nóng, chèn ép vùng bụng và ngực khiến mẹ khó thở mà còn giúp mẹ thay đổi tư thế nằm.
  • Thai giáo: Đừng quên duy trì âm nhạc hay những hình thức thai giáo quen thuộc đã áp dụng từ tháng thứ 5 cho bé yêu trong bụng mẹ nhé.
tư thế nằm cho mẹ bầu 6 tháng
Mẹ nên nằm nghiêng và kê cao chân

3.3. Làm xét nghiệm lượng đường trong máu

Đến tháng thứ 6 của thai kỳ, thai phụ nên làm xét nghiệm đường huyết GCT để tầm soát sớm bệnh tiểu đường thai kỳ. Nếu không được điều trị, bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, chuyển dạ sinh non, khó sinh bằng phương pháp sinh mổ, trẻ sinh ra bị thiếu canxi hoặc mắc các bệnh về hô hấp, đường huyết, v.v.

Kiểm tra lượng đường trong máu có thể giúp mẹ phát hiện bệnh sớm bệnh lý. Từ đó sẽ có phương án điều trị kịp thời, đặc biệt là thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh hơn để cải thiện bệnh.

3.4. Theo dõi cử động đạp của thai nhi

Theo dõi thai máy hay cử động đạp của thai nhi là việc đếm chính xác số cú đạp của thai nhi trong một khoảng thời gian.

Qua đó, mẹ sẽ nhận biết được những bất thường khi thai đạp với tần suất giảm đột ngột.

Mẹ nên theo dõi thường xuyên tình trạng thai máy

3.5. Những điều cần kiêng kị trong tháng thứ 6

  • Hạn chế đi xa, tuân thủ chế độ nghỉ ngơi và tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
  • Tránh đi giày cao, nên chọn những đôi giày thấp, bước đi chậm rãi, cẩn thận để không bị trượt chân.
  • Không trèo cao hay bê vác vật nặng trước bụng.
  • Tránh trầm cảm khi mang thai bằng cách thư giãn thoải mái, nghe nhạc, xem video hài hước để có được những tràng cười sảng khoái. Nên chia sẻ với chồng và người thân để giải tỏa căng thẳng và có nhiều thời gian nghỉ ngơi. 
  • Không nên ăn đậu nành: do có chứa phytoestrogen, hợp chất tăng cường khả năng sinh sản, khi tiêu thụ quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não bộ, cơ quan sinh dục và hệ miễn dịch của trẻ.
  • Không ăn thức ăn quá mặn: Có thể gây giữ nước, gây phù nề, cao huyết áp, tạo áp lực cho thận, thậm chí nhiễm độc thai nghén.
  • Một số thực phẩm khác như: hải sản ướp lạnh, thịt nấu chưa chín, đồ uống có chứa cafein, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn vặt, gia vị quá cay.
Những thực phẩm mẹ bầu nên tránh

3.6. Dấu hiệu bất thường khi mang thai tháng thứ 6 cần đi khám ngay

  • Chảy máu bất thường, chảy máu ướt quần lót hoặc ướt băng vệ sinh
  • Sốt, đau đầu và ớn lạnh
  • Nhức đầu, chóng mặt, ngất xỉu
  • Đi tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt
  • Đau vùng chậu thường xuyên 
  • Buồn nôn và nôn nhiều.
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Bàn tay và bàn chân sưng to
  • Thai nhi cử động yếu hoặc mẹ không cảm cảm nhận được thai máy. 

Nếu gặp phải các triệu chứng trên, mẹ bầu cần đi khám ngay.

Ngoài ra, mẹ vẫn cần duy trì đều đặn khám thai 4 tuần 1 lần để theo dõi tình hình phát triển của bé, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh. 

>> Đọc tiếp: Cẩm nang Mang thai tháng thứ 7