Mang thai tháng đầu: Dấu hiệu nhận biết và các chú ý cho mẹ bầu

Khi mang thai tháng đầu tiên, cơ thể mẹ đã bắt đầu có những thay đổi để chuẩn bị nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên, có thể mẹ vẫn chưa cảm nhận được những thay đổi nhỏ này. Tháng đầu tiên là giai đoạn nhạy cảm nhất của cả mẹ và bé, một số những lưu ý dưới đây sẽ giúp quá trình bầu bí của mẹ diễn ra an toàn và suôn sẻ. 

 

1. Tổng quan về sự phát triển của phôi thai tháng thứ nhất

Trước tiên, mẹ bầu cần lưu ý là thai kỳ sẽ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, chứ không phải tính từ ngày thụ thai. Thời gian hành kinh vẫn sẽ được tính vào thời kỳ mang thai, mặc dù thực tế sự thụ thai chưa diễn ra.. 

Khoảng 2 tuần sau ngày đầu tiên có kinh, trứng rụng từ buồng trứng. Tại vòi trứng, trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành hợp tử (thụ tinh). Lúc này, hợp tử có kích thước bằng 0.2mm. Sau đó, hợp tử sẽ dần di chuyển theo ống dẫn trứng để vào buồng tử cung, quá trình này mất từ 4-5 ngày. Đồng thời, khi di chuyển hợp tử sẽ tiếp tục phân chia tạo thành phôi dâu (vì có hình dạng giống quả dâu tằm). 

 

mang bầu tháng đầu
Quá trình thụ tinh và hình thành phôi thai

Tuần thứ 4, túi phôi phân chia nhanh và bắt đầu ăn sâu vào niêm mạc tử cung để làm tổ. Bên trong túi phôi, một nhóm tế bào phát triển thành phôi và một lớp tế bào bên ngoài hình thành nhau thai. Lúc này việc mang thai chính thức bắt đầu và em bé còn ở dạng “phôi thai”

2. Dấu hiệu mang thai tháng đầu

Trong tháng mang thai đầu tiên, ngoại hình bên ngoài của người mẹ không có gì khác, vì vậy nhiều mẹ bầu có thể còn chưa phát hiện ra mình đã mang thai. Những dấu hiệu dưới đây sẽ báo hiệu sớm cho mẹ rằng có một sinh linh đang được hình thành:

  • Ra một ít máu nâu: Điều này thường xảy ra vào thời điểm trứng đã thụ tinh làm tổ, khoảng 6 đến 12 ngày sau khi thụ thai.
  • Bầu vú cương cứng, núm vú chuyển sang màu nâu đậm: Sự thay đổi nội tiết tố nữ có thể làm cho vú đau hoặc thậm chí ngứa ran. Ngực cũng có cảm giác đầy đặn hơn hoặc nặng hơn. 
  • Thân nhiệt tăng: Mẹ có thể cảm thấy hâm hấp nóng hay buồn ngủ vì nhiệt độ của cơ bản của cơ thể tăng cao hơn một chút so với bình thường.
  • Mệt mỏi: Mẹ có thể nhận thấy mệt mỏi sớm nhất là 1 tuần sau khi thụ thai. Lúc này, cơ thể mẹ đang sản xuất nhiều hormone progesterone, giúp duy trì thai kỳ và khuyến khích sự phát triển của các tuyến sản xuất sữa ở ngực. 
  • Buồn nôn và nôn: Một số mẹ đã xuất hiện tình trạng ốm nghén ngay khi mới mang thai tháng đầu. 
  • Đi tiểu thường xuyên: Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, cơ thể sản xuất ra một loại hormone có tên là human chorionic gonadotropin, làm tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu, khiến mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn.

 

dấu hiệu mang thai

Để kiểm tra chắc chắn xem mình có mang thai hay không, mẹ bầu có thể sử dụng que thử thai hoặc xét nghiệm máu xác định hCG định tính (sớm nhất là 10 ngày sau khi thụ thai)

3. Chăm sóc mẹ bầu ở thai kỳ tháng đầu

3.1. Dinh dưỡng dành cho mẹ bầu

Đây là giai đoạn nuôi dưỡng thai nhi phát triển sau khi trứng thụ tinh và làm tổ xong trong bụng mẹ. Vì vậy, mẹ hãy chú ý ăn uống đủ bữa, ăn đầy đủ đang dạng các nhóm chất để cân bằng dinh dưỡng. 

  • Vitamin nhóm B và axit folic: Vi chất này giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Rau bina, súp lơ, ngũ cốc, các loại hạt,… rất giàu axit folic.
  • Chất đạm: Mỗi ngày mẹ cần bổ sung đủ 10 – 18g chất đạm bằng các thực phẩm như trứng, cá, sữa….để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi trong quá trình phân bào.  
  • Sắt: Mẹ nên bổ sung ít nhất 15 g sắt mỗi ngày từ các loại thực phẩm như các loại hạt, tim, gan, rau xanh,…
  • Canxi: Canxi giúp hình thành xương và răng của thai nhi. Mẹ có thể bổ sung thực phẩm bằng các thực phẩm như hải sản tôm, cua, ghẹ, cá, trứng, sữa,… Nếu không cung cấp đủ canxi, bà bầu có thể bị đau nhức xương, chuột rút thường xuyên.
  • Các vitamin thiết yếu khác như vitamin D, vitamin C, v.v.

3.2. Những kiêng kỵ khi mang thai tháng đầu

Nếu mẹ nhận thấy mình có thể đang mang thai, hãy nghỉ ngơi và thư giãn, tránh vận động mạnh. Mẹ cần lưu ý: 

  • Không sơn móng tay (do sơn móng tay là chất bay hơi nên độc tố dễ thâm nhập cơ thể qua đường hô hấp)
  • Tránh căng thẳng và làm việc quá sức
  • Cẩn thận khi tắm bồn, massage, xông hơi, hạn chế đến những nơi đông người. Bởi, mẹ có thể bị xô đẩy, trượt ngã ảnh hưởng đến thai nhi đang trong thời kỳ nhạy cảm. 
  • Hạn chế mang vác nặng, chạy nhảy hoặc chơi thể thao.
  • Tránh sử dụng đồ uống có nhiều cafein như cà phê, trà, nước tăng lực. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. 

Đặc biệt, khi mang bầu tháng đầu, mẹ bầu cần hạn chế quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng đến bào thai do các cơn co tử cung khi quan hệ.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc (đặc biệt là kháng sinh) hoặc chụp X-Quang cũng cần được tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện để tránh các rủi ro xấu xảy ra.

Khi mới bắt đầu mang thai, mẹ sẽ lúng túng với những biến đổi thể trạng của bản thân. Lúc này, bố hãy làm chỗ dựa vững chắc cho những khi mẹ bất an hay lo lắng nhé!

bụng bầu 1 tháng

4. Một số dấu hiệu nguy hiểm trong tháng đầu – mẹ bầu cần đi khám ngay

Một số dấu hiệu bất thường trong thai kỳ tháng đầu tiên mẹ cần nên đi khám ngay: 

  • Chảy máu, sốt, đau và ớn lạnh.
  • Nhức đầu, chóng mặt và có thể ngất xỉu.
  • Thường xuyên đi tiểu, tiểu buốt.
  • Xuất hiện các cơn đau vùng chậu nghiêm trọng.
  • Tiết dịch âm đạo bất thường.
  • Chân, tay hoặc mặt bị sưng đột ngột.

Đây có thể là các dấu hiệu sảy thai hoặc dọa sảy thai. Vì vậy, mẹ cần liên hệ cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

>> Đọc tiếp: Mang bầu 2 tháng: Những điều mẹ cần biết để đảm bảo an toàn thai kỳ