4 Dấu hiệu sảy thai sớm mẹ bầu cần lưu tâm

Phát hiện sớm những dấu hiệu sảy thai là yếu tố tiên quyết để mẹ bầu và bác sĩ tìm ra những cách hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, mẹ bầu hãy “nằm lòng” những kiến thức dưới đây để sớm nhận biết nguy cơ sảy thai và bảo vệ thai nhi nhé. 

 

1. Sảy thai là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sảy thai là sự kết thúc của thai kỳ trước tuần thứ 28.

(Nếu em bé bị mất sau 28 tuần được gọi là thai chết lưu hay lưu thai).

Theo điều tra của March of Dimes, một tổ chức hoạt động về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ sảy thai ở các mẹ bầu là khoảng 10 -15%. Đây là một tỉ lệ không hề thấp và mẹ bầu cần sớm có các biện pháp theo dõi, giữ gìn sức khỏe thai kỳ.

2. Nguyên nhân dẫn đến sảy thai

Với các trường hợp sảy thai trước tuần thứ 12, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do những bất thường của chính thai nhi (chẳng hạn gặp vấn đề ở các cặp nhiễm sắc thể).

Còn từ sau tuần thứ 12, các vấn đề đến từ người mẹ sẽ gây ra rủi ro sảy thai cao hơn, chẳng hạn như:

– Tử cung dị dạng hay u xơ tử cung, cổ tử cung lỏng lẻo, bị các bệnh viêm nhiễm,…

– Bệnh tự miễn (bệnh do cơ thể tự miễn dịch)

– Điều kiện sống và sinh hoạt không lành mạnh: sử dụng chất kích thích, thiếu dinh dưỡng, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, vận động quá sức liên tục…

Tuy nhiên, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân gây sảy thai ở một trường hợp cụ thể là gì. Vì vậy, điều mẹ bầu nên làm là luôn chú ý quan sát để nhận biết sớm các dấu hiệu, đồng thời luôn thực hiện các biện pháp giữ thai, phòng sảy thai. 

3. Dấu hiệu sảy thai sớm mẹ bầu cần chú ý quan sát

Khi thai nhi trong bụng có nguy cơ dọa sảy, cơ thể mẹ bầu sẽ được “báo động” bằng những dấu hiệu sau đây.:

3.1. Dấu hiệu 1: Chảy máu âm đạo

Đây là dấu hiệu sảy thai dễ nhận biết nhất mà mẹ bầu cần chú ý. 

Tình trạng ra máu âm đạo có thể bắt đầu từ lấm tấm nhẹ hoặc tiết dịch nâu rồi đến chảy máu nhiều, máu đỏ tươi hoặc cục máu đông. Hiện tượng này có thể kéo dài liên tục đến một vài ngày.

chảy máu âm đạo là dấu hiệu sảy thai
Nếu thấy xuất hiện máu ở âm đạo, hãy cẩn trọng

Tuy nhiên, xuất hiện máu ở âm đạo cũng có thể chỉ là máu báo thai, tín hiệu cho thấy trứng đã làm tổ trong tử cung thành công. Máu báo thai khác với máu dọa sảy ở chỗ: lượng máu chảy thường khá ít, có màu nâu hoặc phớt đỏ, không gây đau và sẽ hoàn toàn biến mất sau 1-2 ngày.

3.2. Dấu hiệu 2: Đau ở bụng dưới 

Vùng bụng dưới là nơi mẹ bầu cần rất lưu tâm trong suốt thai kỳ. Những cơn đau ở vùng này có thể do cổ tử cung đang mở hoặc co thắt mạnh, cho thấy nguy cơ sảy thai. Càng nguy hiểm hơn nếu những cơn đau dai dẳng ở vùng bụng dưới đi kèm với tình trạng xuất huyết âm đạo.

đau bụng dưới
Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu sớm của sảy thai

3.3. Dấu hiệu 3: Tiết dịch nhầy từ âm đạo 

Nếu gặp phải nguy cơ sảy thai, dịch nhầy âm đạo cũng sẽ có những thay đổi khác thường, chẳng hạn như: 

  • Dịch nhầy có lẫn máu hoặc có màu phớt hồng
  • Xuất hiện chất lỏng chảy ra từ âm đạo của mẹ bầu

Đây là lúc mẹ bầu cần liên hệ và mô tả thật kỹ  dấu hiệu này với bác sĩ để được tư vấn, chỉ định phù hợp.

3.4. Dấu hiệu 4: Các triệu chứng của thai kỳ bị biến mất

Khi bắt đầu mang bầu, cơ thể người mẹ sẽ có một số triệu chứng thai kỳ như: ốm nghén, căng tức ngực, cân nặng thay đổi… Nếu những triệu chứng này bỗng nhiên biến mất kết hợp với việc giảm cân không rõ nguyên nhân, mẹ bầu cũng nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ. Bởi lẽ, các triệu chứng thai kỳ biến mất cũng có thể báo hiệu một thai kỳ không kéo dài và nguy cơ sảy thai đang xuất hiện.

4. Mẹ bầu cần làm gì nếu thai dọa sảy?

Ngay khi quan sát thấy những dấu hiệu dọa sảy ở trên, mẹ bầu cần bình tĩnh và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ. 

Trong trường hợp tình trạng mới chỉ dừng ở dọa sảy thai, nghĩa là thai nhi vẫn còn sống và có cơ hội giữ được thai, mẹ bầu cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Nghỉ ngơi tại giường và hạn chế tối đa việc đi lại, đặc biệt là với các trường hợp thai trên tuần thứ 12 trở đi có nguy cơ sảy thai cao hơn.
  • Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ chất cho cơ thể mẹ bầu
  • Tránh hoàn toàn việc quan hệ tình dục
  • Tránh vận động mạnh
  • Không xoa bụng để tránh kích thích tử cung co bóp làm tăng nguy cơ sảy thai.

Đồng thời, mẹ bầu cần tuyệt đối nghe theo các hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc hoặc làm theo các mẹo dân gian mà không có sự tham vấn từ bác sĩ.  

Trong trường hợp xấu nhất, việc dừng thai kỳ sớm sẽ giúp sức khỏe mẹ bầu nhanh hồi phục hơn. Tình trạng xuất huyết sẽ dừng lại sau khoảng 1 tuần, kinh nguyệt sẽ bắt đầu lại khoảng 1-2 tháng. Sau 2-3 kỳ kinh nguyệt và thể trạng đã trở lại bình thường, mẹ có thể chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo.

5. Biện pháp phòng sảy thai và giữ thai

Để tránh nguy cơ sảy thai hay dọa sảy, giữ gìn cho em bé mạnh khỏe đến khi chào đời, mẹ bầu hãy lưu ý cẩm nang sau đây:

5.1. Những điều nên làm

  • Ngủ đủ giấc và vận động một cách nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp cơ quan sinh sản khỏe mạnh, không bị kích thích, giúp bảo vệ thai nhi trong tử cung của người mẹ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất; duy trì cân nặng trước và trong thai kỳ
  • Đi siêu âm và xét nghiệm định kỳ. Bổ sung vitamin và các loại khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi
  • Luôn kiểm tra xem các sản phẩm đang sử dụng (xà phòng, nước rửa bát, tinh dầu, mỹ phẩm…) có an toàn với phụ nữ có thai hay không. Nếu không có khuyến cáo chắc chắn này, hãy đổi sang một sản phẩm khác. 

5.2. Những điều cần tránh

  • Tránh làm việc nặng và tiếp xúc với các môi trường độc hại.
  • Tránh hoàn toàn rượu, ma túy, hút thuốc (kể cả hút thuốc bị động) khi mang thai.
  • Tránh quan hệ mạnh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này có thể gây ra những cơn co tử cung không tốt cho thai nhi.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm gây co thắt tử cung, có thể làm tăng nguy cơ xảy thai trong 3 tháng đầu như: rau ngót, ngải cứu, rau răm, dứa, đu đủ xanh.

Trên đây là những hướng dẫn giúp mẹ bầu giữ một thai kỳ khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ sảy thai, mẹ bầu đừng quên áp dụng những biện pháp mà 9thang10ngay gợi ý nha!